Khảo nghiệm và công nhận phân bón lưu hành
Đối với phân bón lần đầu nhập khẩu phải tiến hành công nhận lưu hành phân bón với Cục Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Những phân bón sau khi được công nhận lưu hành hoặc đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam từ trước, thì có thể nhập khẩu mà không cần xin thêm giấy phép nhập khẩu, trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2, điều 27, nghị định số 108/2017/NĐ-CP.
Tuy nhiên, để được công nhận lưu hành phân bón, bạn cần phải khảo nghiệm phân bón trước.
Các phân bón lần đầu công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành lại tại Việt Nam phải tiến hành công đoạn khảo nghiệm này, trừ một số loại phân bón sau thì có thể làm công nhận lưu hành luôn mà không cần khảo nghiệm, như:
Phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ truyền thống: như phân rác, phân xanh, phân chuồng…
Phân bón đơn: như phân đạm, phân lân, phân kali…
Phân bón phức hợp: như phân NPK…
Các bạn có thể tham khảo khoản 2, điều 13, nghị định 108/2017/NĐ-CP
Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm (bước đầu tiên của thủ tục nhập khẩu phân bón):
Đơn đăng ký khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
Tài liệu kỹ thuật đối với phân bón đăng ký khảo nghiệm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
Đề cương khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Các bước tiến hành khảo nghiệm phân bón:
- Bước 1: Xin giấy phép nhập khẩu phân bón về khảo nghiệm. Hồ sơ và trình tự xin giấy phép nhập khẩu thì bạn hãy tham khảo thêm điều 29, nghị định 108/2017/NĐ-CP nhé.
- Bước 2: Gửi đơn đăng ký khảo nghiệm, tài liệu kỹ thuật và đề cương khảo nghiệm phân bón đến Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ NNPTNT
- Bước 3: Cục Bảo vệ thực vật thành lập hội đồng xét duyệt đề cương khảo nghiệm và cho phép doanh nghiệp khảo nghiệm phân bón.
- Bước 4: Tiến hành khảo nghiệm. Trong vòng 2 năm kể từ lúc khảo nghiệm, khi có kết quả khảo nghiệm phải gửi kết quả khảo nghiệm đến Cục Bảo vệ thực vật để thành lập hội đồng xét duyệt kết quả.
- Bước 5: Sau khi được hội đồng xét duyệt và cấp báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón, doanh nghiệp làm đơn dề nghị công nhận lưu hành với Cục Bảo vệ thực vật .
Hồ sơ công nhận lưu hành phân bón gồm có:
a) Đơn đề nghị công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP;
b) Bản thông tin chung về phân bón do nhà sản xuất cung cấp bao gồm: loại phân bón, chỉ tiêu chất lượng chính, hàm lượng yếu tố hạn chế, công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin chung về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;
c) Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo mẫu số 02 hoặc kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và có quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật;
d) Mẫu nhãn phân bón theo đúng quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định 108/2017/NĐ-CP.
Trình tự các bước công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu:
- Bước 1: Nộp hồ sơ
Bạn chuẩn bị hồ sơ và nộp qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia (VNSW) cho Cục Bảo vệ thực vật.
- Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ công nhận
- Bước 3: Thông báo kết quả
Nếu hồ sơ đáp ứng các quy định về phân bón thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP, cụ thể thì bạn xem ví dụ như dưới đây nhé.
Công nhận phân bón lưu hành
Đến đây là bạn đã hoàn thành một nửa thủ tục nhập khẩu phân bón rồi, chúng ta đến bước tiếp theo nhé.
Để hoàn thành thủ tục nhập khẩu phân bón, ngoài công nhận lưu hành bạn cũng cần hoàn thành kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu với Cục Bảo vệ thực vật, ngoại trừ phân bón quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 2, điều 27, nghị định 108/2017/NĐ-CP, gồm:
Phân bón để khảo nghiệm (Đây là phân bón nhập mẫu để khảo nghiệm và công nhận lưu hành nhé bạn);
Phân bón chuyên dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
Phân bón chuyên dùng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của doanh nghiệp; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
Phân bón làm quà tặng; làm hàng mẫu;
Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
Phân bón nhập khẩu để sản xuất phân bón xuất khẩu;
Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học.
Trình tự tiến hành thủ tục KTCL phân bón nhập khẩu:
- Bước 1: Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ đăng ký KTCL trong thời gian 01 ngày làm việc.
- Bước 2: Lấy mẫu kiểm tra chất lượng
- Bước 3: Thông báo kết quả kiểm tra:
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày lấy mẫu, Cục Bảo vệ thực vật ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký KTCL, bao gồm:
- Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu theo Mẫu số 22 tại Phụ lục I, nghị định 108/2017/NĐ-CP;
- Bản sao các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán; danh mục hàng hóa kèm theo: Ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng; hóa đơn hàng hóa; vận đơn (đối với trường hợp hàng hóa nhập theo đường không, đường biển hoặc đường sắt).
Sau khi kiểm tra chất lượng, bạn cần công bố hợp quy cho mặt hàng phân bón của mình và đây cũng là bước cuối cùng trong các thủ tục chuyên ngành để nhập khẩu phân bón.
Bạn cần lưu ý là những phân bón nào phải kiểm tra chất lượng thì đều cần công bố hợp quy nhé, mặc dù kiểm tra chất lượng nhà nước và công bố hợp quy là hai công việc độc lập với nhau và không thể sử dụng kết quả thử nghiệm của nhau. Việc công bố hợp quy được tiến hành theo Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT, nếu cần bạn có thể tham khảo thêm.
Trình tự công bố hợp quy:
Bước 1: Đánh giá hợp quy của đối tượng công bố với quy chuẩn kỹ thuật. Gồm 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức thứ ba có thẩm quyền chứng nhận hợp quy. Kết quả nhận được là giấy chứng nhận hợp quy như dưới đây:
- Trường hợp 2: Công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Trường hợp này là bạn phải thử nghiệm mẫu tại phòng thử nghiệm được BNNPTNT chỉ định nhé.
Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy theo mẫu tại phụ lục 13 của thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký sản xuất, kinh doanh.
Hồ sơ công bố hợp quy:
- Đối với trường hợp sử dụng kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận hợp quy:
Bản công bố hợp quy;
Bản sao có chứng thực chứng chỉ chứng nhận hợp quy của sản phẩm;
Bản mô tả chung về sản phẩm.
- Đối với trường hợp tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh:
Bản công bố hợp quy;
Bản mô tả chung về sản phẩm;
Kết quả thử nghiệm mẫu;
Quy trình sản xuất và kế hoạch kiểm soát chất lượng hoặc bản sao chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008;
Kế hoạch giám sát định kỳ;
Báo cáo đánh giá hợp quy và thông tin bổ sung khác.