Phân loại phân bón và vai trò đối với cây trồng

Ths. Cẩm Hà - Phòng đào tạo VietCert

 

  1. Phân bón là gì ?

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất, trong thành phần chứa một hoặc nhiều yếu tố dinh dưỡng vô cơ đa lượng, trung lượng, vi lượng, đất hiếm, hữu cơ, axit amin, vitamin, axit humic, axit fulvic, vi sinh vật có ích, có một hoặc nhiều: chất giữ ẩm, chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất điều hoà sinh trưởng thực vật, chất phụ gia, yếu tố hạn chế sử dụng.

  

  1. Thành phần của phân bón, bao gồm:

2.1.    Yếu tố dinh dưỡng vô cơ:

a)     Yếu tố dinh dưỡng đa lượng: gồm có Đạm ký hiệu là N (tính bằng N tổng số); Lân ký hiệu là P (tính bằng P2O5 hữu hiệu) và Kali ký hiệu là K (tính bằng K2O hữu hiệu) dạng dễ tiêu cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được.

b)     Yếu tố dinh dưỡng trung lượng: gồm có Can xi (được tính bằng Ca hoặc CaO), Magiê (được tính bằng Mg hoặc MgO), Lưu huỳnh (được tính bằng S) và Silíc (được tính bằng Si hoặc SiO2 hoà tan) dạng dễ tiêu cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được.

c)     Yếu tố dinh dưỡng vi lượng: gồm có Bo (được tính bằng B), Co ban (được tính bằng Co), Đồng (được tính bằng Cu hoặc CuO), Sắt (được tính bằng Fe), Mangan (được tính bằng Mn hoặc MnO), Molipđen (được tính bằng Mo) và Kẽm (được tính bằng Zn hoặc ZnO) dạng dễ tiêu cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được.

d)     Yếu tố dinh dưỡng đất hiếm: gồm có 17 nguyên tố sau: Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium, Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium, Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, lutetium) trong bảng tuần hoàn Mendêleép).

 

2.2.    Yếu tố dinh dưỡng hữu cơ:

Bao gồm các thành phần: chất hữu cơ, axit amin, vitamin, axit humic, axit fulvic, …

 

2.3.    Yếu tố vi sinh vật:

Bao gồm các Vi sinh vật có lợi như VSV cố định đạm, phân giải lân, phân giải xenlulo…

 

2.4.    Các yếu tố hạn chế sử dụng:

Là các kim loại nặng gồm: Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg), Ti tan (Ti) Crôm (Cr) hoặc các vi khuẩn gây bệnh gồm: vi khuẩn E.coli, Salmonella hoặc các chất độc hại khác như: biuret, axit tự do với hàm lượng cho phép được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ngoài ra, trong phân bón còn có chứa chất giữ ẩm, chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất điều hoà sinh trưởng thực vật, chất phụ gia…

 

  1. Phân loại phân bón ?

3.1.    Phân loại theo thành phần: gồm phân bón vô cơ, phân bón hỗn hợp, phân bón vi sinh vật

3.1.1.          Phân bón vô cơ: gồm phân khoáng thiên nhiên hoặc phân hoá học, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều yếu tố dinh dưỡng vô cơ. Bao gồm các loại: phân khoáng đơn, phân phức hợp, phân khoáng trộn.

a)     Phân khoáng đơn: là loại trong thành phần chỉ chứa một yếu tố dinh dưỡng đa lượng N hoặc P2O5 hữu hiệu hoặc K2O hữu hiệu.

b)     Phân phức hợp: là loại phân được tạo ra bằng phản ứng hoá học, có chứa ít nhất hai (02) yếu tố dinh dưỡng đa lượng.

c)     Phân khoáng trộn: là loại phân được sản xuất bằng cách trộn cơ học từ hai hoặc ba loại phân khoáng đơn hoặc trộn với phân phức hợp, không dùng phản ứng hoá học.

 

3.1.2.          Phân hỗn hợp: là loại phân bón trong thành phần có chứa từ hai (02) yếu tố dinh dưỡng khác nhau (vô cơ, hữu cơ, vi sinh vật, các yếu tố dinh dưỡng khác) trở lên, bao gồm các loại phân hữu cơ chế biến công nghiệp, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh

a)     Phân hữu cơ chế biến công nghiệp: là loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ, được chế biến theo quy trình công nghệ lên men công nghiệp, có hàm lượng chất hữu cơ, ký hiệu là HC (tính bằng HC tổng số) và các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

b)     Phân hữu cơ sinh học: là loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ, được xử lý lên men bằng vi sinh vật sống có ích hoặc được xử lý bằng các tác nhân sinh học khác có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

c)     Phân hữu cơ khoáng: là loại phân bón được sản xuất từ phân hữu cơ chế biến công nghiệp hoặc hữu cơ sinh học trộn thêm một hoặc một số yếu tố dinh dưỡng vô cơ, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng vô cơ đa lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

d)     Phân hữu cơ vi sinh: là loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một loại vi sinh vật sống có ích có mật độ và hoạt tính đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

 

3.1.3.          Phân vi sinh vật: là loại phân bón trong thành phần có chứa một hoặc nhiều loại vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng quang hợp và các vi sinh vật có ích khác có mật độ và hoạt tính đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

 

3.2.    Phân loại theo chức năng: phân bón bao gồm phân bón lá, phân bón rễ

3.2.1.          Phân bón lá: là các loại phân bón thích hợp cho việc phun trực tiếp vào thân, lá và thích hợp cho cây hấp thu dinh dưỡng qua thân, lá.

3.2.2.          Phân bón rễ: là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ.

 

  1. Một số loại phân bón phổ biến và vai trò của phân bón ?

Trên thị trường phân bón hiện nay, thành phần cũng như tên gọi các loại phân bón rất đa dạng. Bao gồm một số loại sau:

4.1.    Phân vô cơ đa lượng

4.1.1.          Phân đạm: là tên gọi chung của các loại phân bón vô cơ cung cấp đạm cho cây. Bón đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, làm cho cây ra nhiều nhánh, phân cành, ra lá nhiều, lá có kích thước to, màu xanh, lá quang hợp mạnh do đó làm tăng năng suất cây. Có các loại phân đạm thường dùng sau:

a)     Phân Urê CO(NH4)2: là loại phân có tỉ lệ N cao nhất chứa 44-48% N nguyên chất. Trên thị trường có bán 2 loại phân urê có chất lượng giống nhau: Loại tinh thể màu trắng, hạt tròn, dễ tan trong nước, có nhược điểm hút ẩm mạnh. Loại có dạng viên, nhỏ như trứng cá. Loại này có thêm chất chống ẩm nên dễ bảo quản, vận chuyển nên được dùng nhiều trong nông nghiệp. Phân urê có khả năng thích ứng với nhiều loại đất và cây trồng khác nhau, thường được dùng để bón thúc.

b)     Phân amôn nitrat (NH4NO3): có chứa 33-35% N, có dạng tinh thể muối kết tinh có màu vàng xám, dễ chảy nước, dễ tan trong nước, dễ vón cục, khó sử dụng và bảo quản. Là loại phân sinh lý chua, nhưng có thể bón cho nhiều loại cây trồng trên nhiều loại đất khác nhau.

c)     Phân đạm sunphat (NH4)2SO4: còn gọi là phân SA, chứa 20-21% N, 39% S. Có dạng tinh thể, mịn, màu trắng ngà hoặc xanh xám, có mùi nước tiểu, vị mặn và hơi chua nên nhiều nơi gọi là phân muối diêm. Dễ tan trong nước, không vón cục, thường ở trạng thái tơi rời, dễ bảo quản, dễ sử dụng. Dùng để bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên nhiều loại đất khác nhau trừ đất bị phèn, bị chua.

d)     Phân đạm clorua (NH4Cl): chứa 24-25% N. Có dạng tinh thể mịn, màu trắng hoặc vàng ngà, dễ tan trong nước, ít hút ẩm, không bị vón cục. Là loại phân sinh lý chua, nên bón kết hợp với lân và các loại phân bón khác. Ở vùng khô hạn, đất nhiễm mặn không nên bón đạm clorua.

e)     Phân Xianamit canxi: chứa 20-21% N, 20-28% vôi, 9-12% than. Có dạng bột, màu xám tro hoặc trắng, không có mùi khai. Thường dùng để bón lót, không dùng để phun lên lá, có thể khử được đất chua.

f)      Phân phôtphat đạm (còn gọi là phôt phat amôn): có 16% N, 20% P. Có dạng viên, màu xám tron hoặc trắng, dễ chảy nước, dễ tan trong nước. Được dùng để bón lót hoặc bón thúc, thích hợp với đất nhiễm mặn.

 

4.1.2.     Phân lân: có vai trò quan trọng trong đời sống cây trồng. Kích thích sự phát triển của rễ, làm cho rễ đâm sâu lan rộng nên cây ít đổ ngã, kích thích quá trình đẻ nhánh, nảy chồi, thúc đẩy cây ra hoa kết quả sớm và nhiều, tăng đặc tính chống rét, chống hạn, chịu độ chua, chống sâu bệnh hại…. Hiện nay, có một số loại phân lân như sau:

a)     Phôt phat nội địa: là loại bột mịn, màu nâu thẫm hoặc nâu nhạt, chứa 15-25% P nguyên chất. Dùng để bón lót, không dùng để bón thúc, có hiệu quả ở đất chua.

b)     Phân apatit: là loại bột mịn, màu nâu đất hoặc xám nâu. Tỉ lệ lân thay đổi tùy theo loại: loại apatit giàu có trên 38% lân, loại apatit trung bình có 17-38% lân, loại apatit nghèo có dưới 17% lân.

c)     Supe lân: là loại bột mịn màu trắng, vàng xám hoặc xám thiếc, có chứa 16-20% lân nguyên chất và một lượng lớn thạch cao. Phân dễ hòa tan trong nước nên dễ sử dụng, có thể dùng để bón lót hoặc bón thúc đều được.

d)     Tecmo phôt phat (phân lân nung chảy, lân Vân Điển): có dạng bột màu xanh nhạc, gần như màu tro, có óng ánh; chứa 15-20% lân, 30% canxi, 12-13% Mg, có khi có cả K. Phân này không tan trong trong nước nhưng tan trong axit yếu, cây sử dụng dễ dàng, có thể dùng để bón lót hoặc bón thúc. Phân có hiệu quả tốt cho đất cát nghèo, đất bạc màu, ít vi lượng hoặc đất chua.

e)     Phân lân kết tủa: có dạng bột trắng, nhẹ, xốp trong giống vôi bột, chứa 27-31% lân nguyên chất và 1 ít canxi. Phân này sử dụng tương tự như tecmo  phốt phát.

 

4.1.3.     Phân kali: cung cấp dinh dưỡng K cho cây, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét và chống chịu sâu bệnh, tạo cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng phẩm chất nông sản. Hiện có một số loại phân kali sau:

a)     Phân clorua kali: có dạng bột màu hồng hoặc xám đục, xám trắng, kết tinh thành hạt nhỏ, chứa 50-60% K nguyên chất và một ít muối ăn. Đây là loại phân chua sinh lý, có độ rời, dễ bón, có thể bón lót hoặc bón thúc, thích hợp cho nhiều vùng đất trừ đất mặn.

b)     Phân sunphat kali: có dạng tinh thể nhỏ, min, màu trắng, dễ tan trong nước, ít vón cục; chứa 45-50% K nguyên chất, 18% S. Là loại phân chua sinh lý nhưng thích hợp cới nhiều loại cây trồng.

c)     Một số loại phân kali khác:

-    Phân kali – magie sunphat: có dạng bột mịn màu xám, chứa 20-30% K2O, 5-7% MgO, 16-22% S, được sử dụng hiệu quả trên đất cát nghèo, đất bạc màu.

-    Phân Agripac của Canada: có dạng khô, hạt to, không vón cục, chứa 61% K2O, thường dùng để trộn với các loại phân bón khác.

-    Muối kali 40%: có dạng muối trắng kết tinh có lẫn một ít vảy màu hồng nhạt, chứa 40% K, sử dụng hạn chế trên đất mặn.

 

4.1.4.     Phân phức hợp và phân hỗn hợp:

Trên thị trường hiện có các loại sau: loại 2 yếu tố (N-P, N-K, P-K), loại 3 yếu tố (N-P-K), loại 4 yếu tố (N-P-K-Mg).

a)     Phân NP: gồm các thương hiệu sau:

-    Phân Amophor: tỉ lệ N:P:K là 1:1:0, chứa 18% N và 18% P2O5, dạng viên rời, dùng để bón cho đất phù sa, đất phèn.

-    Phân Diamophor (DAP): tỉ lệ N:P:K là 1:2,6:0, chứa 18% N, 40% P2O5, thích hợp cho đất phèn, đất bazan.

-    Phân hỗn hợp: 20:20:0; 23:23:0; 10:10:0 dùng để bón lót.

b)     Phân NK: gồm

-    Phân kali nitrat: chứa 13% N, 45% KO, dùng để bón cho đất nghèo kali.

-    Phân hỗn hợp: 30:0:10; 20:0:20; 20:0:10, dùng để bón vào cuối thời kỳ sinh trưởng của cây.

c)     Phân PK: gồm

-    Phân PK 0:1:3: chứa 55% supe lân và 45% KCl, dùng cho đất bạc màu, đất cát nhẹ.

-    Phân PK 0:1:2: chứa 65% supe phôt phat và 35% KCl.

d)     Phân N-P-K: gồm

-    Phân Amsuka: có tỉ lệ NPK là 1:0,4:0,8, được sản xuất bằng cách trộn amôn với supe lân đã trung hòa vào muối KCl

-    Phân nitro phoska: có 2 loại:

+ Loại có tỉ lệ NPK là 1:0,4:1,3; được sản xuất bằng cách trộn muối nitrat với axit photphoric; chứa 13% N, 5,7% P2O5, 17,4% K2O.

+ Loại có tỉ lệ NPK là 1:0,3:0,9; được sản xuất bằng cách trộn muối nitrat với axit sunphuric; chứa 13,6% N, 3,9% P2O5, 12,4% K2O.

-    Phân Amphoska: có tỉ lệ NPK là 1:0,1:0,8; chứa 17% N, 7,4% P2O5, 14,1% K2O.

-    Phân viên NPK Văn Điển: có tỉ lệ NPK là 5:10:3; trong phân ngoài chứa NPK còn có 6,7% MgO, 10-11% SiO2, 13-14% CaO.

-    Phân hỗn hợp NPK 3 màu: do nhà máy phân bón Bình Điền 2 sản xuất, có các dạng: 15:15:15; 20:20:15; 15:10:15; 16:16:8; 14:8:6; 15:15:6.

-    Phân tổng hợp NPK: do nhà máy phân bón Đồng Nai sản xuất, gồm các dạng: 16:16:8; 14:8:6; 10:10:5; 15:15:20.

 

4.2.    Phân vô cơ trung và vi lượng

4.2.1.  Phân trung lượng: thông thường các nhà máy không sản xuất phân trung lượng riêng mà kết hợp vào các loại phân đa lượng. Có một số loại phân trung lượng sau:

-         Phân lưu huỳnh: phân supe lân chứa 12% S, phân supe hạt kali chứa 18% S, phân sunphat amon (SA) chứa 23% S, phân sunphat kali – magie chứa 16-22% S.

-         Phân canxi: phân lân nung chảy Văn Điển chứa 28-32% Ca, phân lân NPK Văn Điển chứa 13-14% CaO, phân supe lân chứa 22-23% CaO.

-         Phân magie: phân lân Văn Điển chứa 17-20% Mg, phân sunphat – magie chứa 5-7% Mg, phân borat magie chứa 19% Mg.

4.2.2.  Phân vi lượng: gồm

-         Phân Bo: gồm phân axit boric, phân borat natri, borat magie.

-         Phân đồng

-         Phân mangan: gồm sunphat mangan, clorua mangan, pecmanganat kali.

-         Phân Molipden: gồm molipdat natri, molipdat amon.

-         Phân kẽm: gồm sunphat kẽm, clorua kẽm.

-         Phân sắt

-         Phân Coban

 

4.3.    Phân bón lá

-         Là những hợp chất dinh dưỡng, có thể là các nguyên tố đa lượng, trung lượng hoặc vi lượng, được hòa tan trong nước và phun lên cây để cây hấp thụ.

-         Phân bón lá có thể là các loại phân đơn như N, P, K, Cu, Zn,… Tuy nhiên phần lớn các loại phân bón qua lá là những hỗn hợp các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng ở dạng hòa tan trong nước.

 

4.4.    Phân hữu cơ

a)     Phân chuồng: là phân do gia súc thải ra như phân lợn, phân trâu bò ngựa, phân gà vịt… Thành phần dinh dưỡng của phân chuồng gồm các đa lượng và vi lượng với hàm lượng tùy thuộc từng loại, thời gian và phương pháp ủ phân.

b)  Phân rác: là phân hữu cơ được chế biến từ rác, cỏ dại, thân lá cây xanh, bèo tây, rơm rạ, chất thải rắn thành phố… được ủ với một số phân men như phân chuồng, nước giải, lân, vôi… cho đến khi hoai mục.

c)   Phân xanh: là loại phân hữu cơ, sử dụng các loại bộ phận trên mặt đất của cây. Phân xanh thường được sử dụng tươi, không qua quá trình ủ. Cây phân xanh thường là cây họ đậu hoặc cỏ lào, cây quỳ dại…

 

4.5.    Phân vi sinh vật: là những chế phẩm trong đó có chứa các loài vi sinh vật có ích như vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn. Gồm một số loại sau:

a)  Phân vi sinh vật cố định đạm: có nhiều loài vi sinh vật có khả năng cố định N từ không khí như tảo lam (Cyanobacterium), vi khuẩn Azotobacter, Bradyrhizobium, Rhyzobium, xạ khuẩn Actinomyces, Klebsiella. Trên thị trường hiện nay có một số loại như sau: phân nitragin, phân Rhidafo, phân Azotobacterin, phân Azozin…

b)  Phân vi sinh vật hòa tan lân: gồm các vi sinh vật có khả năng phân hủy lân như Aspergillus, Pseudomonas, Bacillus, Micrococens… Trên thị trường có một số loại như: Phosphobacterin…

c)   Phân vi sinh vật kích thích tăng trưởng cây.

 

4.6.    Các loại phân hữu cơ khác:

-         Phân than bùn: như Biomix, Biofer, Komix, Compomix, lân hữu cơ sinh học sông Gianh…

-         Phân tro, phân dơi.

 

Đăng ký đánh giá, chứng nhận hợp quy phân bón ở đâu ?

 

VietCert - Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy

Tp. Hà Nội: 0905.924299, 0905.935699 - Tp. HCM: 0905.357459, 0905. 870699 – Tp. Đà Nẵng: 0935.711299, 0968. 434199 - Tp. Cần Thơ: 0905.539099, 0905.158290 - Tp. Buôn Ma Thuộc: 0903.587699, 0905.527089

Email: info@vietcert.org    -   Website: www.vietcert.org

 

Tag:Chứng nhận HACCP|Chung nhan HACCP|HACCP|Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn|Chứng nhận ISO 22000|Chung nhan ISO 22000|Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm|Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm|ISO 22000|Chứng nhận ISO 14001|Chứng nhận ISO 14000|Chung nhan ISO 14001|Chứng nhận hệ thống quản lý môi trường|Hệ thống quản lý môi trường|ISO 14001|Chứng nhận hợp chuẩn|Chứng nhận ISO 9001|Chung nhan ISO 9001|Chứng nhận ISO 9000|Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng|Hệ thống quản lý chất lượng|ISO 9001|Chứng nhận VietGAP|Chứng nhận VietGAP chăn nuôi|Chứng nhận VietGAP trồng trọt|Chứng nhận hợp quy|Chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật|Chứng nhận thực phẩm|Chứng nhận hợp quy thực phẩm|Chứng nhận hợp quy phân bón|Chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi