Quy tắc đạo đức nghề nghiệp

QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I.    Mục đích của Bộ quy tắc

1.    Mục đích của Bộ quy tắc này là quy định các nguyên tắc, nội dung và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề chứng nhận trong Trung tâm Giám định và Chứng nhận Hợp chuẩn hợp quy (VIETCERT) nhằm đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về trình độ chuyên môn, đạo đức và mức độ hoạt động và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội nói chung và khách hàng nói riêng.

2.    Bộ quy tắc này đem lại niềm tự hào cho cá nhân người hành nghề và cho nghề chứng nhận, đồng thời giúp cho những người hành nghề không phải thi hành những mệnh lệnh không đúng.

II.    Đối tượng áp dụng

Toàn thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm Giám định và Chứng nhận Hợp chuẩn hợp quy có trách nhiệm tuân thủ Bộ quy tắc này.

III.    Định nghĩa các thuật ngữ

Các thuật ngữ trong Bộ quy tắc này được hiểu như sau:

-    Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động chứng nhận: Là tập hợp các chuẩn mực hành vi, cách cư xử và ứng xử được quy định cho nghề nghiệp chứng nhận nhằm bảo vệ và tăng cường vai trò, tính tin cậy, niềm tự hào của nghề nghiệp chứng nhận trong xã hội.

-    Cán bộ, nhân viên của VIETCERT bao gồm các thành viên trong Ban Giám đốc, các cán bộ quản lý và tất cả các cán bộ, nhân viên khác có ký hợp đồng lao động với VIETCERT dưới mọi hình thức: chính thức, thử việc, cộng tác viên hay bất kỳ hình thức nào khác.

-    Người có liên quan bao gồm: bố, mẹ ruột (hoặc bố, mẹ nuôi); bố mẹ chồng (hoặc bố mẹ vợ), vợ, chồng, con đẻ (hoặc con nuôi), anh, chị em ruột (hoặc anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha hoặc anh, chị, em nuôi).

-    Thông tin nội bộ: Là thông tin liên quan đến Trung tâm đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được phép công bố mà khi thông tin đó được công bố có thể gây ảnh hưởng lớn đến giá chứng nhận của Trung tâm đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó.

CHƯƠNG II. NỘI DUNG CỦA BỘ QUY TẮC

Trong mọi hoạt động, các cán bộ, nhân viên của VIETCERT có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp dưới đây:

1.    Tuân thủ pháp luật, các quy trình, quy chế, quy định của Trung tâm:

Phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, không làm bất cứ điều gì trái với quy định của pháp luật

Tất cả nhân viên VIETCERT nghiêm túc thực hiện các quy trình, quy chế, quy định của đơn vị

2.    Luôn đảm bảo tính trung thực, khách quan, công bằng và minh bạch trong hành nghề

-    Phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị trong mọi hành động của mình;

-    Cán bộ, nhân viên của VIETCERT không được nhận quà hoặc tặng quà, dự chiêu đãi hoặc mời chiêu đãi đến mức có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá nghề nghiệp của họ hoặc tới những người họ cùng làm việc;

-    Không được làm những công việc mà có cam kết nhận hay trả những khoản lợi ngoài những thu nhập thông thường;

-    Cán bộ, nhân viên của VIETCERT không được sử dụng thông tin nội bộ để chuyển dịch vụ chứng nhận cho Trung tâm hay cá nhân ngoài Trung tâm;

-    Các thông tin cung cấp cho khách hàng phải đảm bảo công bằng cho mọi khách hàng;

Ngăn ngừa xung đột lợi ích:

-    Trong việc chứng nhận cho khách hàng, nếu có sự xung đột về lợi ích giữa Trung tâm  với khách hàng hoặc giữa cá nhân nhân viên với khách hàng mà có thể tác động đến kết quả chứng nhận cho khách hàng thì cán bộ, nhân viên có liên quan phải công bố rõ những thông tin liên quan đến xung đột trên cho khách hàng để khách hàng  xem xét.

3.    Đảm bảo năng lực chuyên môn và tính cẩn trọng:  

-    Ban lãnh đạo VIETCERT có trách nhiệm tổ chức xây dựng quy trình hoạt động theo tiêu chuẩn thống nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tận tụy và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải thực hiện công việc được giao với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự cẩn trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần;

-    Cán bộ, nhân viên của VETCERT không được thể hiện là có những khả năng và kinh nghiệm mà bản thân không có;

-    Phải liên tục cập nhật những thay đổi trong nghề nghiệp chứng nhận, kể cả việc ứng dụng công nghệ hay tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan;

-    Hành động đúng mực, cẩn trọng phù hợp với các quy trình nghiệp vụ khi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

4.    Tuân thủ tính bảo mật:

Cán bộ, nhân viên của VIETCERT phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình làm việc. Không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.

5.    Đảm bảo tư cách nghề nghiệp:

Cán bộ, nhân viên của VIETCERT có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc; phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.

6.    Tính bền vững về tài chính   

-    Ban lãnh đạo Trung tâm có trách nhiệm đảm bảo cho Trung tâm có địa vị tài chính tốt, có đủ nguồn vốn đáp ứng được mọi cam kết trong hoạt động kinh doanh cũng như mọi rủ ro có thể phát sinh trong qúa trình hoạt động kinh doanh.

-    Các báo cáo tài chính của Trung tâm phải đầy đủ, đúng với sự thật.

7.    Đảm bảo lợi ích chung của toàn ngành

-    Ban lãnh đạo VIETCERT phải điều hành Trung tâm sao cho có sự phối hợp chặt chẽ trong toàn ngành và phải đặt lợi ích chung của toàn ngành bên cạnh lợi ích riêng của Trung tâm.

8.    Quan hệ với các Trung tâm đồng nghiệp

Các cán bộ, nhân viên của VIETCERT phải tránh những hành vi mang tính chất vu khống lẫn nhau hoặc có những hành vi gây mất đoàn kết nội bộ Trung tâm và với các đồng nghiệp làm việc trong các Trung tâm, tổ chức khác.

9.    Mối quan hệ đối với các tổ chức quản lý

Các cán bộ, nhân viên của VIETCERT, nhất là Ban lãnh đạo Trung tâm, phải cung cấp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng quản lý mình và phải cung cấp tất cả mọi thông tin, số liệu mà các cơ quan quản lý yêu cầu theo đúng các quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

10.    Quảng cáo

Trong hoạt động tiếp thị và quảng bá về doanh nghiệp và công việc của mình, cán bộ, nhân viên của VIETCERT không được:

+    Sử dụng các phương tiện có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh và danh tiếng nghề nghiệp;

+    Phóng đại về những công việc VIETCERT có thể làm hoặc dịch vụ VIETCERT có thể cung cấp, các bằng cấp hay kinh nghiệm của họ; và

+    Nói xấu hoặc đưa thông tin sai về công việc của doanh nghiệp và của người hoạt động chứng nhận khác.

CHƯƠNG III - ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN

-    Toàn thể cán bộ, nhân viên của VIETCERT có nghĩa vụ đọc và hiểu rõ các quy định đã nêu trong Bộ quy tắc này và nghiêm túc thực hiện.

-    Mọi cán bộ, nhân viên phát hiện sai phạm, đều có nghĩa vụ báo cáo lên cán bộ quản lý trực tiếp hoặc Ban kiểm soát nội bộ hoặc Cán bộ phụ trách nhân sự của Trung tâm.

-    Cán bộ, nhân viên vi phạm các quy định trên đây sẽ chịu các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc tùy theo mức độ vi phạm đồng thời có trách nhiệm đền bù thiệt hại do vi phạm đó gây ra.

Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp này gồm 03 chương và có hiệu lực kể từ ngày được Giám đốc Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy ban hành.

GIÁM ĐỐC

                                                         (Đã ký)

                                                       Lương Chí Linh


ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
Nhận xét

Có thể bạn sẽ thích?