Đo lường

Tuỳ thuộc vào lĩnh vực áp dụng, đo lường có thể phân chia thành:

·        Đo lường khoa học

·        Đo lường pháp quyền

·        Đo lường công nghiệp

 

1.    Đo lường khoa học

Đo lường khoa học trong lĩnh vực chuẩn đo lường quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu tại bất cứ nhà nước nào, vì nó là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của những nhánh đo lường khác cũng như công nghệ mới, và cho sự phát triển của toàn xã hội nói chung. Những nhiệm vụ cơ bản của một viện đo lường quốc gia trong lĩnh vưc này là đảm bảo việc thực hiện và duy trì các chuẩn đo lường quốc gia, tiến hành các nghiên cứu và phát triển cần thiết liên quan tới nhu cầu đo lường cụ thể trong từng lĩnh vực. Kết quả của công việc này là đảm bảo nối chuẩn tới hệ đo lường quốc tế SI và chuyển giao kiến thức hoặc hỗ trợ chuyên gia trong việc thực hiện các phép đo quan trọng hay phức tạp nhất cho nhiều đối tượng sử dụng.

Đo lường khoa học điều chỉnh ba nhiệm vụ sau:

·        Định nghĩa các đơn vị đo được quốc tế chấp nhận

·        Thực hiện đơn vị đo bằng các phương pháp khoa học

·        Thiết lập chuỗi truyền chuẩn trong quá trình hồ sơ hoá độ chính xác của một phép đo.

 

2.    Đo lường pháp quyền

Theo Tổ chức Đo lường Pháp quyền Quốc tế (OIML) “Đo lường pháp quyền là những quy trình lập pháp, quản lý và kỹ thuật được thiết lập bởi hoặc tham chiếu bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, và được thực hiện nhân danh họ để làm rõ và đảm bảo độ tin cậy và chất lượng của các phép đo liên quan tới việc kiểm soát chính thức, thương mại, sức khoẻ, an toàn và môi trường trong quá trình quản lý các bên giao dịch”.

Nói tóm lại, đo lường pháp quyền là các thực hành và quá trình áp dụng cơ chế quản lý và thực thi đối với đo lường. Một hệ thống các phép đo tin cậy là rất quan trọng cho thương mại ở bất kỳ xã hội nào. Tất cả các phép đo liên quan tới thương mại, bảo vệ người tiêu dùng đều thuộc phạm vi của đo lường pháp quyền, đặc biệt trong lĩnh vực khối lượng và dung tích. Phát triển kinh tế và thương mại là hoạt động cơ bản của con người, nó vận hành trên nguyên tắc trao đổi hàng hoá công bằng giữa hai bên, có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đo lường pháp quyền đảm bảo rằng tất cả các phép đo có mục đích trao đổi hàng hoá trong thương mại đều phải công bằng và đáng tin cậy. Ví dụ: “Nhận được những gì mà bạn trả” một cân thịt, một lít xăng, một mét vải. Những phương tiện đo này bản thân chúng phải được quản lý về mặt pháp lý, như đồng hồ bơm ga, đồng hồ tính tiền xe taxi, đồng hồ điện, cân tại siêu thị là phần quan trọng của đo lường pháp quyền. Ngoài ra, những phương tiện đo được sử dụng trong thi hành pháp luật, như máy phân tích hơi thở, hoặc trong y tế như máy đo huyết áp, nhiệt kế tại bệnh viện cũng thuộc phạm vi đo lường pháp quyền.

“Sự tin cậy của hệ thống đo lường quốc tế được tăng cường thông qua nỗ lực không ngừng của các viện đo lường quốc gia (NMI) trên toàn thế giới trong việc thiết lập cơ sở của các phép đo và độ không đảm bảo đo của các phép đo trên các đơn vị đo được chấp nhận rộng rãi, thường là đơn vị đo của Hệ đơn vị đo lường Quốc tế (SI). Điều quan trọng đối với mỗi quốc gia, không chỉ trong nỗ lực thúc đẩy năng lực đo lường, mà còn như một phương tiện để loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, là tiến hành so sánh các phép đo quốc gia và thiết lập sự tương đương của chúng, thông qua viện đo lường quốc gia (NMI) của mình. Trong phạm vi mà theo đó một NMI có thể đảm bảo tính tương đương của các chuẩn đo lường quốc gia và khả năng hiệu chuẩn, trong phạm vi không đảm bảo đođã biết, là một yếu tố đóng góp cho năng lực quốc gia khi tham gia vào thương mại toàn cầu. Về mặt lịch sử, khả năng tương đương với nhau được quyết định thông qua việc NMI tham gia vào các hiệp định song phương, hoặc các tổ chức và hiệp định đa phương khu vực (RMOs). Tuy nhiên, vào tháng 10/1999, tầm quan trọng của sự tương đương trong đo lường đã được mở rộng trên phạm vi toàn cầu thông qua việc ký kết một thoả thuận thừa nhận lẫn nhau các chuẩn đo lường quốc gia, hiệu chuẩn và khả năng đo lường (CMCs) do các viện đo lường quốc gia ban hành, trong khuôn khổ Uỷ ban Cân Đo Quốc tế (CIPM), với sự phối hợp của Viện Cân Đo Quốc tế (BIPM). Được biết đến với thuật ngữ Thoả thuận Thừa nhận Lẫn nhau (MRA), sự thừa nhận lẫn nhau này quy định việc thừa nhận chính thức các chuẩn đo lường quốc gia và khả năng hiệu chuẩn, và được trông đợi để trở thành cơ sở cho các thoả thuận rộng hơn liên quan tới buôn bán và thương mại (như WTO)”.

 

3.    Đo lường công nghiệp

Chức năng của đo lường công nghiệp chủ yếu là hiệu chuẩn một cách thích đáng và kiểm soát phương tiện đo được sử dụng trong quá trình sản xuất. Mục đích ở đây là đảm bảo các sản phẩm được sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn quy định. Thiết bị được kiểm soát theo chu kỳ nhằm đảm bảo luôn xác định rõ độ không đảm bảo đo của phép đo. Hiệu chuẩn được tiến hành đối với thiết bị đã được chứng nhận, với giá trị đo phù hợp với các chuẩn như chuẩn chính quốc gia.

 

ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
Nhận xét

Có thể bạn sẽ thích?