Dịch vụ giám định gắn liền với hoạt động thương mại và công tác quản lí
Để phục vụ cho ngành ngoại thương non trẻ của Việt Nam trong những năm đầu thành lập, tháng 10 năm 1957 Chính phủ đã quyết định thành lập cơ quan kiểm nghiệm. Kể từ đó, hoạt động giám định hàng hoá đã từng bước phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế của nước nhà. Vào đầu những năm 1990, khi nền kinh tế Việt Nam dần dần chuyển sang kinh tế thị trường, hoạt động giám định đã có môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dịch vụ giám định không những phục vụ tốt cho hoạt động thương mại mà còn phục vụ đắc lực cho công tác quản lí và những hoạt động liên quan khác.
Dịch vụ giám định đem lại lợi ích thiết thực trong hoạt động thương mại.
Trong hoạt động thương mại, hàng hóa từ khi sản xuất ra đến khi được chuyển tới tay người mua/người tiêu dùng, đều phải trải qua nhiều khâu (thu mua, vận chuyển, giao nhận, bảo quản…), không thể tránh khỏi rủi ro, sai sót, tổn thất…dẫn đến tranh chấp giữa các bên liên quan tham gia hợp đồng mua/bán. Những tranh chấp thường gặp là: sai sót về số/khối lượng, phẩm chất, bao bì, nguồn gốc, chủng loại hàng hóa; về phân chia trách nhiệm, mức đền bù của các bên liên quan khi hàng hóa bị tổn thất; tranh chấp về thời gian, địa điểm giao hàng, chuyển quyền sở hữu, rủi ro đối với hàng hóa… Đối với từng giao dịch cụ thể, để trực tiếp phòng ngừa và có cơ sở pháp lí giải quyết các tranh chấp xảy ra một cách nhanh chóng khi hàng hóa bị sai hỏng, thiếu, mất, tổn thất…, các bên kí kết thường đưa vào hợp đồng thương mại điều khoản chỉ định một tổ chức giám định độc lập, trung lập, có đủ năng lực/uy tín để tiến hành kiểm tra và cấp kết quả về thực trạng hàng hóa.
Việc đưa điều khoản giám định vào hợp đồng không những làm tăng trách nhiệm của các bên tham gia kí kết mà còn làm thuận lợi hóa cho các bên liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng đó, cụ thể là:
+ Đối với bên bán: Sử dụng kết quả giám định của bên thứ ba trung lập, khách quan để làm bằng chứng chứng minh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của mình; giảm được tổn phí về thời gian, chi phí đi lại... vì không phải trực tiếp chứng minh nghĩa vụ nói trên. Bên cạnh đó, chứng thư giám định còn là một trong những văn bản cơ sở để người bán được thanh toán tiền hàng.
+ Đối với bên mua: thông qua tổ chức giám định, người mua có cơ sở yên tâm nhận được đầy đủ và đúng (số/khối lượng, chủng loại, nguồn gốc, chất lượng…) hàng hóa mình cần mua, không phải tự mình kiểm tra. Đặc biệt khi có sai hỏng, tổn thất xẩy ra thì chứng thư giám định là chứng cứ khách quan đòi bồi thường.
+ Người vận chuyển: có chỗ dựa tin cậy xác nhận họ đã thực hiện công việc của mình đúng với yêu cầu kĩ thuật vận tải; xác nhận tàu có đủ điều kiện chứa hàng và đủ khả năng đi biển; chứng minh họ đã làm hết trách nhiệm để hạn chế tối đa các thiệt hại trong các trường hợp bất khả kháng; sử dụng kết quả giám định khối lượng, thể tích làm cơ sở để tính cước phí vận chuyển.
+ Đối với người bảo quản hàng hóa: tổ chức giám định chứng minh họ đã sử dụng kho bãi bảo quản đúng yêu cầu kĩ thuật như hun trùng, sắp xếp, đảo kho…, phù hợp với chủng loại hàng; đã giám sát, xác nhận đúng số/khối lượng, chất lượng hàng hóa trong quá trình giao nhận, xuất nhập kho.
+ Các công ty bảo hiểm: có một tổ chức độc lập, vô tư xác định mức độ, nguyên nhân hư hỏng, mất mát, tổn thất, phân bổ tổn thất hàng hóa hoặc phương tiện vận tải để làm cơ sở cho việc bồi thường và khiếu nại bên thứ ba có liên quan.
+ Các tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng có liên quan: có cơ sở chuyển tiền đến đúng người bán hàng khi người bán hàng thực hiện đủ các nghĩa vụ ghi trong hợp đồng. Bên cạnh đó giám định còn giúp các tổ chức này xác định đúng giá trị tài sản cầm cố khi cho vay tín dụng, đảm bảo an toàn trong kinh doanh.
Dịch vụ giám định phục vụ đắc lực cho công tác quản lí và những hoạt động liên quan khác.
Song song với vai trò to lớn của dịch vụ giám định trong hoạt động thương mại, kể từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, dịch vụ giám định còn góp phần phục vụ đắc lực cho công tác quản lí của nhà nước, cụ thể là:
+ Cơ quan hải quan có một tổ chức chuyên nghiệp giúp xác định chính xác số/khối lượng, chủng loại, chất lượng, giá cả… hàng hóa để làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, để xác định đúng, đủ thuế, chống thất thu thuế, chống gian lận thương mại.
+ Hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước quản lí chất lượng hàng hóa nhằm tránh nhập về hàng hoá kém phẩm chất, phế thải cấm… ngăn ngừa thiệt hại cho doanh nghiệp, cho nguời tiêu dùng trong nước, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường; tránh xuất đi hàng kém chất lượng làm mất uy tín quốc gia hoặc xuất đi hàng tốt hơn yêu cầu của hợp đồng làm thiệt hại cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động giám định giúp kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, đảm bảo về chất lượng, đúng giá trị, an toàn trong sử dụng, chống nạn hàng giả, từ đó bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, ngăn chặn việc gây rối loạn thị trường nội địa.
+ Giúp các cơ quan quản lí, các xí nghiệp sản xuất… làm tốt công tác môi trường: hoạt động giám định giúp các doanh nghiệp, các cơ quan đánh giá, xác định những tác động đến môi trường trong quá trình xây dựng các công trình cũng như trong quá trình sản xuất thông qua việc giám định mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất… Đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa, chúng ta phải nhập khá nhiều máy móc thiết bị từ nước ngoài, giám định giúp nhà nước, giúp các doanh nghiệp nhập về những máy móc thiết bị đúng theo yêu cầu, không nhập về những máy móc thiết bị lạc hậu, tránh cho đất nước trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới.
+ Liên quan đến công tác giám định còn có hoạt động thẩm định giá. Đặc biệt, trong điều kiện đất nước đẩy mạnh đầu tư các công trình công nghiệp và quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động này có ý nghĩa rất lớn trong việc định giá tài sản, máy móc thiết bị, giá trị doanh nghiệp… Thẩm định giúp cho việc mua bán tài sản, máy móc thiết bị, định giá doanh nghiệp sát với giá trị thị trường, giảm thiểu các thiệt hại có thể xẩy ra.
+ Trong nền kinh tế phát triển, một hoạt động có liên quan đến giám định là tư vấn. Tổ chức giám định có đầy đủ điều kiện để tư vấn cho khách hàng về pháp lí thương mại, về chất lượng hàng hóa, về những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, tư vấn xây dựng và áp dụng hệ thống quản lí chất lượng quốc tế nhằm vận hành công việc tốt nhất, hiệu quả nhất.
+ Một chức năng quan trọng của giám định là phục vụ các cơ quan điều tra, tòa án, trọng tài kinh tế. Với chuyên môn của mình, tổ chức giám định giúp xác định số/khối lượng, chất lượng, chủng loại, giá cả… hàng hóa/tài sản phục vụ cho công tác điều tra, xử án liên quan đến những vi phạm pháp luật như tham ô, buôn lậu, gian lận, trộm cắp và kể cả khi có tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện hợp đồng thương mại.
Với kinh nghiệm được tích lũy trong 50 năm phát triển, với mạng lưới rộng khắp cả nước, với đội ngũ giám định viên thạo nghề cùng cơ sở vật chất kĩ thuật đầy đủ, chúng tôi sẵn sàng phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân những dịch vụ nêu trên với chất lượng tốt nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất.
VIETCERT là nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm, giám định, hiệu chuẩn, kiểm tra nhà nước hàng nhập khẩu, chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, chứng nhận sản phẩm hợp quy, chứng nhận các hệ thống quản lý ISO, chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, các dịch vụ đào tạo chuyển gia đánh giá sản phẩm, chuyên giá đánh giá các hệ thống quản lý ISO, và sử dụng kiến thức sâu rộng về ngành để hỗ trợ các tổ chức khắc phục rủi ro và hoạt động trong môi trường kinh doanh năng động và đầy thử thách.