Thông tư 23/2012/TT-BNNPTNT của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phải được hiểu đúng như thế nào?

 

Tác giả: ThS. Cẩm Hà

 

 

 

Ngày 18 tháng 6 năm 2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 23/2012/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ban hành kèm theo thông tư số 81/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể như sau:

 

 

 

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Mục 3 "Quy định về quản lý" trong các quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01-10: 2009/BNNPTNT; QCVN 01-11: 2009/BNNPTNT; QCVN 01-12: 2009/BNNPTNT; QCVN 01-13: 2009/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư số 81/2009/TT-BNNPTNT.

 

 

 

1. Bãi bỏ điểm 3.1. "Chứng nhận hợp quy”.

 

 

 

2. Điểm 3.2. "Công bố hợp quy” được sửa đổi như sau:

 

 

 

“3.2. Công bố hợp quy

 

 

 

Phương thức, trình tự, thủ tục công bố hợp quy được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".”

 

Hiện nay, có một số doanh nghiệp đã nhầm hiểu rằng thông tư này quy định bãi bỏ hoàn toàn việc chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Cách hiểu như vậy là hoàn toàn sai với tinh thần của thông tư này.

 

 

Thực ra, việc ban hành Thông tư 23/2012/TT-BNNPTNT là nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý trong các quy chuẩn kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi để làm rõ và phù hợp lẫn nhau giữa Thông tư 81/2009/TT-BNNPTNT với quy định hiện hành về công bố hợp quy của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (hiện nay là Thông tư 83/2009/TT-BNNPTNT).

 

 

Theo thông tư 81 (khi chưa được sửa đổi) thì các sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo các quy chuẩn tương ứng phải được chứng nhận hợp quy trước khi công bố hợp quy. Việc chứng nhận hợp quy sản phẩm phải do tổ chức chứng nhận được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định (bên thứ 3). Nghĩa là, việc công bố hợp quy sản phẩm phải dựa trên kết quả đánh giá hợp quy của bên thứ 3. Như vậy, thông tư này chỉ cho phép bên thứ 3 đánh giá chứng nhận mà không cho phép doanh nghiệp (bên thứ nhất) tự đánh giá.

 

 

Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 83 thì Việc công bố hợp quy được thực hiện như sau:

 

“1. Bước 1: Đánh giá sự phù hợp của đối tượng công bố với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

 

 

 

a) Việc đánh giá hợp quy có thể do tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy thực hiện;

 

 

 

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp quy, tổ chức, cá nhân công bố hợp quy phải thực hiện việc thử nghiệm tại phòng thử nghiệm được công nhận hoặc do cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật chỉ định;

 

 

 

c) Kết quả đánh giá hợp quy là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp quy.

 

 

 

2. Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký sản xuất, kinh doanh hoạt động chứng nhận hợp quy do thực hiện thì việc chứng nhận hợp quy là không bắt buộc.”

 

Theo đó, để công bố hợp quy thì bên thứ nhất có thể tự đánh giá hợp quy hoặc có thể thông qua Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định (như Vietcert) để chứng nhận hợp quy sản phẩm trước khi công bố hợp quy. Nghĩa là, thông tư 83 cho phép có 2 hình thức đánh giá hợp quy là do bên thứ nhất tự đánh giá hoặc thông qua bên thứ 3 đánh giá.

 

Như vậy, quy định của Thông tư 23 có nghĩa là bãi bỏ điểm 3.1. “Chứng nhận hợp quy” trong các quy chuẩn tương ứng để phù hợp với Thông tư 83, thừa nhận việc đánh giá hợp quy thức ăn chăn nuôi có thể do bên thứ nhất tự đánh giá hoặc thông qua tổ chức chứng nhận, chứ không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

 

ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
Nhận xét

Có thể bạn sẽ thích?