WTO – Khởi nguồn phát triển dịch vụ đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam


Trước thời điểm Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không ai có thể nghĩ rằng, một công ty tư nhân có thể có tư cách pháp nhân để đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của cơ quan hành chính Nhà nước; kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa nhập khẩu hay các phòng thử nghiệm tư nhân hoạt động hiểu quả.Thế nhưng chỉ sau 6 năm, tất cả các điều trên đã trở thành hiện thực.

 

Ngày 1/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Một trong những cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức này là mở cửa thị trường dịch vụ, trong đó có dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN). Kể từ đó, công tác xã hội hóa dịch vụ KHCN được phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng đáp ứng cơ bản nhu cầu của thực tiễn sản xuất.

 

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội khóa XI ban hành năm 2006 thì dịch vụ KHCN được hiểu là chuỗi công việc từ lập kế hoạch, xây dựng, ban hành, triển khai áp dụng đến đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trên thực tế, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) do Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn được sử dụng là chuẩn mực để đánh giá sự phù hợp và Tiêu chuẩn cơ sở (TC) do các doanh nghiệp xây dựng và công bố. Cũng theo luật này thì TCVN được các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa tự nguyện áp dụng, trừ khi các cơ quan quản lý sử dụng các TCVN thực hiện nhiệm vụ quản lý thì TCVN trở thành bắt buộc áp dụng.

 

Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng và ban hành trên cơ sở thống nhất kế hoạch xây dựng với Bộ Khoa học và Công nghệ bao gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) do các bộ quản lý chuyên ngành ban hành và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QC) do UBND tỉnh (thành phố) ban hành. Các quy chuẩn này được áp dụng bắt buộc và là chuẩn mực để đánh giá sự phù hợp nên Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục phù hợp với Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT). Đến nay, các bộ chuyên ngành đều đã ban hành được bộ QCVN tương đối đầy đủ để quản lý chất lượng đối với hàng hóa do bộ mình quản lý.

 

Hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng thực sự khởi sắc. Việc một loạt các tổ chức chứng nhận, giám định, thử nghiệm tư nhân tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hội nhập sâu của Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ KHCN. Hành lang pháp lý đã được thiết lập bao gồm: Nghị định 127/2007/NĐ-CP; Nghị định 120/2012/NĐ-CP; Thông tư 28/2012/TT-BKHCN; Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT; Thông tư 11/2013/TT-BYT... nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng dịch vụ chứng nhận, giám định và thử nghiệm hoạt động được thuận lợi, góp phần phục vụ quản lý nhà nước hiệu quả.

 

Đặc biệt, sự ra đời của Thông tư 27/2010/TT-BKHCN cho phép các tổ chức chứng nhận tư nhân, các tổ chức chứng nhận nước ngoài tham gia hoạt động đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan hành chính nhà nước là một sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về cải cách hành chính theo hướng Xây dựng nền hành chính phục vụ. Trong số 11 tổ chức chứng nhận được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ có 2 tổ chức là cơ quan nhà nước, có 4 tổ chức chứng nhận nước ngoài và 5 tổ chức chứng nhận tư nhân.

 

Ngoài ra, Việt Nam còn cho phép các tổ chức tư nhân tham gia hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN (chứng nhận hợp chuẩn), phù hợp QCVN (chứng nhận hợp quy). Tổ chức chứng nhận VietCert được chỉ định đánh giá chứng nhận hợp quy thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, kiểm tra nhà nước nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm nhập khẩu, chứng nhận VietGap chăn nuôi và VietGap trồng trọt, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng  ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP; Tổ chức chứng nhận và giám định VinaCert được chỉ định chứng nhận hợp quy phân bón, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm cây trồng, VietGAP trồng trọt…

 

Hiện nay, Việt Nam đã có thị trường cung ứng dịch vụ KHCN với sự ra đời của các tổ chức công nhận tư nhân dưới hình thức vốn sở hữu khác nhau… . VietCert  xuất hiện ngay sau khi Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học công nghệ với 366 chuyên ngành thuộc 7 lĩnh vực khác nhau, riêng lĩnh vực dịch vụ KHCN có 26 chuyên ngành có hiệu lực. Từ đó, các công ty, doanh nghiệp, trung tâm cung ứng dịch vụ khoa học lần lượt ra đời và không ngừng phát triển với nhưng đơn vị dẫn đầu như VietCert, VinaCert, VinaControl… thực sự mang đến cho ngành khoa học công nghệ nói chung và các ngành sản phẩm hàng hóa nói riêng một diện mạo mới với các dịch vụ tư vấn, chứng nhận, công nhận kịp thời đáp ứng sản xuất, đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng được quản lý đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong khu vực và quốc tế.

 

Phương Hoa

Tạp chí KHCN tháng 5/2013

ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
Nhận xét

Có thể bạn sẽ thích?