Đánh giá sự phù hợp

Thủ tục được quốc tế thừa nhận

 

Đánh giá sự phù hợp là một thủ tục được quốc tế thừa nhận để chứng tỏ rằng các yêu cầu cụ thể đối với một sản phẩm, quy trình, hệ thống, con người hay tổ chức đã được đáp ứng. Đánh giá sự phù hợp đóng một vai trò quan trọng cho thương mại và sự phát triển bền vững. Tại các quốc gia đang phát triển, hoạt động đánh giá sự phù hợp thường ít phát triển hơn so với các nước công nghiệp hoá.

Mục đích của đánh giá sự phù hợp là cung cấp lòng tin cho người sử dụng rằng các yêu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ và hệ thống được đáp ứng. Niềm tin tưởng đó, đến lượt bản thân nó, sẽ đóng góp trực tiếp cho sự chấp nhận của thị trường đối với các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống này. Sự tin tưởng của người sử dụng có thể đạt được thông qua sự hợp tác giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp và/hoặc các tổ chức được công nhận, dẫn đến việc thừa nhận lẫn nhau và sự quảng bá xuyên biên giới về công việc của các bên tham gia.

 

Đề cập về tầm quan trọng của thử nghiệm, chứng nhận và công nhận trong nền kinh tế toàn cầu, Tiêu chuẩn ISO/IEC 17011: Đánh giá sự phù hợp – Các yêu cầu chung đối với các tổ chức công nhận khi công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp, quy định:

 

“Trong lĩnh vực quản lý, cơ quan có thẩm quyền nhà nước thực thi pháp luật liên quan đến việc chấp nhận các sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ an toàn, sức khoẻ, môi trường, ngăn ngừa gian lận hoặc vì sự công bằng trên thị trường. Trong lĩnh vực tự nguyện, nhiều ngành công nghiệp trong phạm vi một nền kinh tế hay toàn cầu,  thiết  lập các hệ thống đánh giá sự phù hợp và chấp nhận, nhằm đạt được một trình độ kỹ thuật tối thiểu, tạo điều kiện cho việc so sánh [giữa các sản phẩm, dịch vụ, hệ thống], và cũng để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

 

Một điều kiện tiên quyết đối với kinh doanh bình đẳng là bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào, khi đã chính thức được chấp nhận trong một nền kinh tế, thì phải được lưu thông tự do tại những nền kinh tế khác mà không phải tiến hành nhiều thử nghiệm, giám định, chứng nhận lặp lại v.v. Điều này là cần thiết cho dù toàn bộ hay một phần của sản phẩm hoặc dịch vụ có phải là đối tượng chịu sự quản lý hay không”

 

Tổ chức ISO và các tổ chức có thẩm quyền khác định nghĩa về Đánh giá sự phù hợp như sau:

 

“Tất cả các hoạt động liên quan đến việc quyết định trực tiếp hoặc gián tiếp rằng các yêu cầu đưa ra trong tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật phải được đáp ứng. Thủ tục đánh giá sự phù hợp tạo ra một phương thức đảm bảo rằng các sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống được sản xuất hoặc vận hành với các đặc tính theo yêu cầu, và những đặc tính này thống nhất trong các sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống khác nhau. Đánh giá sự phù hợp bao gồm: lấy mẫu và thử nghiệm; giám định; chứng nhận; đánh giá hệ thống quản lý chất lượng (kể cả HACCP và quản lý an toàn thực phẩm) và chứng nhận; công nhận năng lực của các hoạt động này và thừa nhận năng lực của tổ chức công nhận. Một quy trình đánh giá sự phù hợp cụ thể có thể bao gồm một hay nhiều hoạt động đánh giá sự phù hợp này. Trong khi từng hoạt động này là tách biệt, song chúng vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, các tiêu chuẩn được đan xen với nhau trong toàn bộ các khía cạnh của các hoạt động này và có thể có tác động lớn đến kết quả của một quá trình đánh giá sự phù hợp. Hoạt động đánh giá sự phù hợp tạo sự liên kết quan trọng giữa tiêu chuẩn (xác định những đặc tính cần thiết hoặc các yêu cầu đối với sản phẩm) và bản thân các sản phẩm”.

 

Hội đồng Tiêu chuẩn Canada trong “Các nguyên tắc Đánh giá sự phù hợp Quốc gia Canada” đưa ra một giải thích dễ hiểu hơn về đánh giá sự phù hợp

 

“Các ví dụ về đánh giá sự phù hợp có hàng ngày xung quanh chúng ta, làm cho cuộc sống của chúng ta thuận lợi hơn, cung cấp sự đảm bảo rằng các sản phẩm mà chúng ta sử dụng sẽ không gây hại và hoạt động tốt; nhà sản xuất kiểm soát được ảnh hưởng của các hoạt động của mình đến sức khoẻ, an toàn và môi trường; và các dịch vụ được cung cấp theo một phương thức thống nhất. Thực chất, đánh giá sự phù hợp là hoạt động xác định một sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống đáp ứng các yêu cầu của một tiêu chuẩn cụ thể. Tiêu chuẩn là tài liệu kỹ thuật miêu tả những đặc tính quan trọng của sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống đó và những yêu cầu cơ bản phải được đáp ứng.

 

[Trên phạm vi quốc tế], đánh giá sự phù hợp thực hiện việc tái đảm bảo cho người sử dụng và tạo cho họ niềm tin về tính thống nhất của sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống. Đánh giá sự phù hợp giúp đảm bảo rằng sản phẩm, dịch vụ và hệ thống đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn về tính ổn định, tương thích, hiệu quả và an toàn. Vì vậy, tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp gắn liền với nhau. Chúng cùng ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của xã hội và rất quan trọng trong duy trì và cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Mặc dù định nghĩa nêu trên rất đơn giản, nhưng trong thực tế có nhiều hoạt động đa dạng và phức tạp tạo nên một hệ thống đánh giá phù hợp quốc gia. Những hoạt động này bao gồm xác nhận năng lực của những tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp, tương tác với các tổ chức quốc tế liên quan, đóng góp làm giảm thiểu các rào cản thương mại tiềm tàng và tham gia vào thúc đẩy an toàn và sức khoẻ cộng đồng”.

 

 

Tag: Chứng nhận hợp chuẩn|Chứng nhận ISO 9001|Chung nhan ISO 9001|Chứng nhận ISO 9000|Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng|Hệ thống quản lý chất lượng|ISO 9001

 

 

ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
Nhận xét

Có thể bạn sẽ thích?