Bốn Con Cọp Đời Lý - Trần

Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Sáng lập nhà Trần là hai nhân vật cùng tuổi Dần – mà khác nhau như đêm và ngày. Chôn vùi nhà Lý là hai con cọp khác…

 

Đền thờ các vua Trần. Đôi câu đối bên ngoài, đọc từ phải qua trái: ” Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu” là từ lời thơ của Thượng hoàng Trần Thánh Tông sau khi đuổi quân Nguyên Mông năm 1289.
Sinh năm Giáp Dần 1194, Trần Thủ Độ là người ít học mà khôn ngoan dàn xếp cho đứa cháu đoạt ngôi nhà Lý lên làm vua. Sinh vào năm Mậu Dần 1218, Trần Cảnh lên ngôi là Trần Thái Tông, trở thành một trong những vị vua hùng tài và trí tuệ đời Trần. Lịch sử nên nhìn lại hai con cọp mở vận cho nhà Trần – khác nhau như đêm và ngày… Khi ấy, cọp nhà Lý là ai? Là Huệ Tông làm nhà Lý sụp đổ, và Chiêu Hoàng, người nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh…

Do Thái Tổ Lý Công Uẩn thành lập từ năm 1109, nhà Lý mở kỷ nguyên xây dựng quốc thống cho Đại Việt sau hơn ngàn năm Bắc thuộc và bảy chục năm loạn lạc, từ 939 đến 1009. Nhưng, gần hai trăm năm sau, đến đời Cao Tông Lý Long Trát năm 1176 thì nhà Lý bắt đầu suy bại. Tới người con, sinh năm Giáp Dần 1194, là Huệ Tông Lý Sảm, thì hết làm chủ được tình hình vì là ông vua bệnh tật bất tài. Việc nước rối ren vì nội loạn nên dần dần triều Lý trông cậy vào Thái úy Trần Tự Khánh.

Gồm có Trần Tự Khánh, anh ruột là Trần Thừa và anh/em họ là Trần Thủ Độ, họ Trần lần lượt nắm lấy quyền bính của nhà Lý…
Vì không có con trai, Huệ Tông truyền ngôi Hoàng thái tử cho… hoàng thứ nữ, là Công chúa Phật Kim, sinh tháng Chín năm Mậu Dần (1218). Huệ Tông về làm Thượng hoàng rồi đi tu ở chùa Chân Giáo. Năm 1223, Phật Kim lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, nhưng quyền bính nằm trong tay hai người.

Người thứ nhất là quan Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Người thứ hai là nàng chị/em họ Trần Thị Dung của ông, vợ của Thượng hoàng Huệ Tông, nay là Thái hậu mẹ của vua Chiêu Hoàng.

Hai anh em họ này lại tằng tịu với nhau – và về sau còn lấy nhau….
Trần Thủ Độ có đứa cháu họ khôi ngô tuấn tú là con trai của Trần Thừa, đang làm “chi hậu“, lo phục dịch trong triều. Sau, ông cho đứa cháu này vào hầu Chiêu Hoàng trong cung, ban đầu với chức… phụ bếp. Đó là Trần Cảnh, sinh trước Chiêu Hoàng khoảng ba tháng, cũng vào năm Mậu Dần 1218. Năm 1218 đó, hình như có sao chổi!

Gần bếp nên bén lửa. Hai cọp nhỏ ưa giỡn với nhau vì cô bé Chiêu Hoàng trên ngôi lại rất sủng ái cậu bé làm chức nhỏ là Thị nội chính thủ ở dưới. Thường trêu chọc, bắt làm voi ngựa, cưỡi lên lưng và có cử chỉ thân mật, như vẩy nước hay ném khăn vào mặt…. Bị vua đùa,Trần Cảnh thấy hãi, bèn về kể lại cho bác là Trần Thủ Độ. Và đây là phản ứng của viên võ quan mà sử nói là ít học:
“Nếu quả như thế thì có khi họ Trần làm vua chăng? Hay là sẽ bị giết cả họ?“
Các sử quan học nhiều mà hiểu ít nên không thấy phản ứng đó báo hiệu những bước kế tiếp của Thủ Độ.
Ông cho phong tỏa hậu cung để khỏi ai ra vào. Đưa Trần Cảnh vào trong cung sống như vợ chồng với vua Chiêu Hoàng. Rồi loan rằng “Hoàng thượng nay đã có chồng!” Việc “cưới hỏi” lập tức hoàn tất, các quan theo nhau vào chúc hạ. Rồi Hoàng thượng Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng, vì… “Trần Cảnh có văn chất vẹn toàn, thể cách của bậc hiền nhân quân tử, uy nghi đạo mạo… dù đến Hán Cao Tổ hay Đường Thái Tông cũng không hơn được….“
Thế là sau hai năm vui đùa trên ngai, ngày Mậu Dần năm 1225, Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi.
Con cọp cái không vật chết con cọp đực, tuổi Mậu Dần trao quyền cho tuổi Mậu Dần vào một ngày Mậu Dần! Nhà Lý chấm dứt từ đấy…
Nhìn vào bên trong, rồi nhìn qua bên kia biên giới khi Trung Nguyên rung chuyển vì vó ngựa Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, một người vừa đăng quang cũng vào một năm Dần – cũng lại là một năm có sao chổi mà cả thế giới đều thấy – ta còn ngạc nhiên về phong cách khác nhau của hai con cọp triều Trần. Rồi về số phận của hai con cọp triều Lý: Huệ Tông làm sư mà tự ải sau khi nguyền rủa om xòm; vua Chiêu Hoàng thì lui về làm công chúa và thành hiền phụ của một người tri kỷ của chồng cũ và vua mới!…
Trên đây là khúc phim ngắn giới thiệu một chuỗi biến cố rất lạ.Tại sao hậu thế không dựng thành phim cho đời sau nhớ lại mà cứ lép nhép cóp nhặt phim ảnh Hong Kong và Trung Quốc? Mạt!


***
Liên minh Lý Trần Truồng


Ai giúp nhà Trần cướp ngôi nhà Lý? Đó là cha con Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Mà… miệt mài giúp tự đã lâu.
Cao Tông là kẻ ham vui. Hại người giúp mình là Phạm Bỉnh Di và giúp người hại mình là Phạm Du, nên tự gây loạn. Năm 1205 bị loạn đành bỏ triều chạy trốn. Khi vua chạy trốn, Hoàng thái tử mới có 11 tuổi là Lý Sảm phiêu dạt đến thôn Lưu Gia gần biển. Gặp nàng con gái rất đẹp của đại gia Trần Lý trong vùng. Bèn lấy làm vợ. Vào tuổi ấy, ai đòi lấy ai thì ai biết được!

Suốt năm năm tao loạn, Lý Thái tử cứ cơm no bò cưỡi nhờ… ở rể trong nhà Trần Lý, một gia đình có thế lực tại địa phương về ngư sản. Hứng tình ngay chốn lưu vong, Thái tử còn phong cho cậu của nàng là Tô Trung Từ làm Điện tiền Chỉ huy sứ.
Mãi năm năm sau Sảm mới nhờ gia binh nhà vợ đưa mình hồi trào. Năm 1210 đó lại có sao chổi!
Mà sao chổi cũng phải. Vì loạn lạc vẫn còn: Trần Lý cầm quân dẹp loạn và tử trận, Tô Trung Từ lên làm đại thần bèn “ăn cây nào rào cây nấy” – và gây hiềm khích với cháu là Trần Tự Khánh. Cuối năm 1210, Cao Tông chết, Sảm lên ngôi là Huệ Tông ở tuổi 16, lập tức sai người đón vợ từ thôn Lưu Gia về triều. Chuyện tang ma hãy cứ đợi đó! Việc rước dâu tiến hành trong tiếng can qua sát phạt giữa Tô Trung Từ và Trần Tự Khánh.

Khi ấy trong triều bỗng có hai phe.
Cùng các hào trưởng theo họ Lý, Thái hậu họ Đàm là bà vợ Cao Tông thì nghi ngờ nàng con dâu Trần thị quá đẹp và thế lực quá lớn của Trần Tự Khánh. Bà đòi Huệ Tông giáng Trần thị xuống hàng ngự nữ - con hầu! Rồi đòi nàng tự sát không xong, bèn nhiều lần mưu bỏ thuốc độc. May mà Huệ Tông cứu được mấy lần.
Bên Trần Tự Khánh thì đem gia binh dẹp loạn và thành thế lực trong một triều đình đã mục nát. Nhiều lần, Huệ Tông muốn đẩy họ Trần ra ngoài, nhưng vì áp lực của giặc giã – hay sắc đẹp của Trần thị – nên vẫn phải nương vào Trần Tự Khánh! Chuyện liên minh co giãn ấy kéo dài khá lâu…
Và đổ máu cũng nhiều.
Trái tim Huệ Tông vốn dĩ lông bông, cái đầu thì khật khùng điên dại. Và cơ thể bị bệnh phong… Khi lên 20 tuổi, năm 1216 lại cất Trần thị từ vai ngự nữ lên làm Phu nhân, rồi Hoàng hậu. Sau khi Trần thị làm Hoàng hậu, Tự Khánh được phong làm Thái úy Phụ chính. Anh trai là Trần Thừa vào làm nội thị phán thủ, một chức quan thấp lo việc phục dịch. Trong triều, Tự Khánh dựng lại quân đội. Trong cung, Trần thị sinh hoàng trưởng nữ là Thuận Thiên công chúa. Ngoài triều thì vẫn loạn. Hai xứ Chiêm Thành và Chân Lạp cùng cướp phá Nghệ an, giặc giã nổi lên khắp nơi…
Năm sau, Huệ Tông nổi chứng điên.
Thường cầm khí giới múa hát lảng sảng, uống rượu ly bì hôm sau mới tỉnh. Nhưng bệnh mê Trần thị thì vẫn nguyên: tháng Chín năm 1218, nàng sinh cho vua một hoàng thứ nữ là Phật Kim công chúa. Ngoài biên thùy thì Chiêm Thành và Chân Lạp vẫn quấy. Trong lãnh thổ thì hết Nguyễn Nộn tới Đoàn Thượng nổi loạn, toàn cõi trộm cướp như ong….
Giặc mạnh chừng nào thì quyền uy Trần Tự Khánh lên chừng đó vì phải cầm quân dẹp loạn.
Tự Khánh tạ thế năm 1223, được truy phong… Kiến Quốc Đại vương – ôi cái tên đầy ý nghĩa! Và Trần Thừa được vào chầu mà khỏi lạy vì đã thành Phụ quốc Thái úy. Qua năm sau, cả hai công chúa Thuận Thiên và Phật Kim – thật ra thủ túc chung quanh hai nàng – chia nhau các lộ làm ấp “thang mộc“. Là quê hương của vương triều nên thu thuế rất nhẹ, gọi là đủ tiền “tắm gội”, nghĩa của chữ thang mộc. Huệ Tông thì mê sảng, trong cung chỉ còn một võ tướng hộ vệ nơi cấm dinh.
Đó là quan Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ – chức vụ của Lý Công Uẩn trước khi lên ngôi là Lý Thái Tổ năm 1009.
 
***
“Đầu Tôi Chưa Rơi…”


Gốc nhà chài lưới nhưng có thế lực địa phương, lại hay cầm binh dẹp loạn, Thủ Độ là người ít học mà nhiều mưu. Sinh cùng năm Giáp Dần với 1194 với Huệ Tông, ông không phải cọp bông mà là cọp thật.

Là võ tướng rất trẻ dưới quyền Trần Tự Khánh, Thủ Độ có công đánh dẹp nhiều nơi nên được đưa vào cầm đầu cấm quân. Trần Thủ Độ có thể là em hay anh họ của Trần Tự Khánh, Trần Thừa và Trần Thị Dung – sử viết mỗi nơi mỗi khác. Nhưng chắc chắn là người tình của Trần Thị Dung, khi nàng đã thành Hoàng hậu của Huệ Tông.

Có lẽ do gốc dân chài, nàng có tên tục của một loài… cá, Trần Thị Ngừ. Kho với khế thì rất nục. Sau này mới sửa để tên đẹp như người.

Sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vào cuối năm 1225, Trần Thái Tông ban ngay bốn lệnh: Sách phong vua cũ là Chiêu Hoàng thành Hoàng hậu Chiêu Thánh. Đưa Trần Thủ Độ khi đó mới 31 tuổi lên làm Thái sư Thống quốc. Phế Thượng hoàng Huệ Tông làm Huệ Quang Thái sư khi ấy đã vào chùa. Và giáng Thái hậu nhà Lý – mẹ ruột của mình – làm Thiên Cực công chúa, khi ấy bỗng có quyền lấy chồng!

Hiển nhiên là con cọp con Trần Cảnh nghe lời con cọp già Trần Thủ Độ trong bốn quyết định ấy.
Mất ngôi Thái hậu, Trần Thị Dung hết là người được kẻ khác phò tá để có thể gây họa. Nên hoàn toàn nương vào vòng tay Thủ Độ. Hai người bèn lấy nhau. Nàng Trần thị có sắc đẹp và số lạ: có chồng là Hoàng đế triều Lý rồi Thái sư triều Trần, đều cùng tuổi Giáp Dần! Chưa hết lạ đâu…


Việc cung đình tạm êm, Thái sư ra tay dẹp loạn. Khi nhu khi cương, nhưng dẹp đến nơi đến chốn. Sau đó thiết lập kỷ cương để củng cố vương triều. Công lao ấy, đời sau chẳng nên quên và đừng tiếp tục đọc theo hủ nho mà kết tội là  “có âm mưu lật đổ chế độ” – như ngày nay.
Nhưng, ngoài chợ, dân đen thấy sư Huệ Quang lang thang thì cũng thương. Thủ Độ thấy dân xót vua cũ thì cũng ngại. Năm 1226, có lần đến thăm, thấy sư nhổ cỏ ngoài chùa thì nhắn lại một câu: “nhổ cỏ nên nhổ tận rễ!” Hai cọp có lẽ hiểu nhau. Mùa Thu năm ấy, Thủ Độ sai người đem hương hoa tới chùa, rằng: “Thượng phụ có lời mời!”
Thượng phụ của sư Huệ Quang là Cao Tông thì đã là người thiên cổ. Mời đi thăm Diêm vương chăng? Dù có điên, sư Huệ Quang cũng hiểu. Và dù là sư thì cũng có lời nguyền trước khi treo cổ tự ải: “Thiên hạ của nhà ta, đã về nhà mày rồi, mày còn giết ta. Một ngày kia con cháu nhà mày cũng lại như thế!” Đi tu mà còn ăn nói vậy sao? Cái gì là “của”?
Con cọp bông chết rồi, nhưng nếu chôn đúng long mạch thì có khi nhà Trần lại loạn. Do đó, Thủ Độ cho hỏa thiêu, cất tro cốt vào tháp chùa Bảo Quang và tôn miếu hiệu đàng hoàng là Huệ Tông. Vì vậy, đời sau mới dùng tên đó để nói về ông vua hèn kém có tên là Lý Sảm. Chính Lý Sảm mới làm nhà Lý mất ngôi chứ không phải ai khác.
Cứ đọc là “Thượng hoàng Huệ Tông”, đời sau dễ lầm là một người cao tuổi già yếu, đã đi tu rồi mà còn bị hại. Năm đó, Huệ Tông Lý Sảm mới 33 tuổi. Và thời ấy, những người nhớ ơn hai trăm năm của triều Lý vẫn còn rất đông.
Sáu năm sau, 1232, Thủ Độ mới nhổ hết rễ, bằng một quyết định của nhà vua khi đó đã 14 tuổi: Ban tên húy của cả nước và của các miếu! Hiền khô… Xin đọc kỹ lại: Vì ông nội của Thái Tông tên là (Trần) Lý, từ nay đổi triều Lý ra triều Nguyễn! Lồng bên dưới là dứt tuyệt mọi luyến nhớ của dân gian với nhà Lý. Sau đó mới là vụ chôn sống một số tông thất nhà Lý.
Tức là tám năm sau khi triều Lý tiêu vong, khi cung nhân hay con gái thân thích họ Lý đã được gả cho các tù trưởng người Man, thì đến các tôn thất còn lại cũng bị diệt. Thủ Độ quả là người kỹ lưỡng! Ông có tội với nhà Lý nhưng có công với nhà Trần.
Và có công với dân Đại Việt. Hãy nhìn lại con cọp dữ này.
Thủ Độ hiển nhiên là có con. Nhưng khi là Điện tiền Chỉ huy sứ thì tiến các cháu vào triều, như Trần Bất Cập, Trần Thiên và Trần Cảnh. Từ đấy, ông làm mọi việc để bảo đảm cho họ Trần lên ngôi. Nếu tính hụt thì chắc là phe họ Lý sẽ phản công và không chừa một mống! Ông thẳng tay trừ mọi mối nguy cho họ Trần, và ra tay ổn định xã tắc mà không nghĩ đến lợi riêng.
Bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư chửi ông không hết lời. Nhưng có ghi mấy chuyện đáng nhớ về con cọp lạnh lùng ấy.
Khi Thiên Cực công chúa – nàng Trần thị vợ ông – xin riêng cho một người làm câu đương, một chức dịch rất nhỏ trong xã, Trần Thủ Độ nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên: “ngươi vì có Công chúa xin cho được làm câu đương nên không thể so với người khác được. Phải chặt một ngón chân để phân biệt.” Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa!


Sau khi lên làm Linh Từ Quốc Mẫu, nàng Trần Thị Dung có lần đi ngang cung cấm thì bị một tên lính chạy cờ dám chặn cửa. Bèn về nhà thuật lại trong nước mắt: “… Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!”
Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Thế rồi sau khi nghe trình bày nguyên do thì ông cười: “Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa”,  sau đó ban thưởng.


Lại có người thấy ông giữ quá nhiều quyền uy trong triều, vào gặp Thái Tông: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?” Thái Tông lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ kể lại. Trần Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói.” Rồi lấy tiền lụa thưởng cho.


Trần Thủ Độ nắm quyền rất chặt khi Thái Tông Trần Cảnh còn nhỏ tuổi. Ông làm nhiều chuyện táo tợn để con cọp con này có thêm nanh vuốt! Nhờ vậy mà Trần Thái Tông ngày càng là một ông vua sáng và cùng với với tuổi tác của Thủ Độ tất nhiên là càng có thêm thực quyền.


Khi nhà Tống suy vong, đầu năm 1258, quân Mông Cổ nhấn tới và lẻn đường tắt tràn xuống Đại Việt.
Trần Thái Tông tự đem quân nghênh chiến và xông vào tên đạn như con cọp dữ. Thế giặc quá mạnh, vua phải lui. Hỏi người em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo thì Hạo viết xuống nước: “nhập Tống“. Là theo Tống mà hàng Mông. Hỏi đến Trần Thủ Độ, thì ông được câu trả lời lịch sử. “Đầu tôi chưa rơi thì bệ hạ đừng lo!” Nhờ vậy, triều Trần không hàng mà đánh lại.
Du binh của danh tướng Ngột Lương Hợp Thai bị đánh úp, rút chạy. Sử viết là địch tháo chạy mà hết chí đánh nhau, nên mới gọi là “Giặc Phật”! Nếu một lời mà có thể giữ vững sơn hà thì đấy là lời của con cọp già Trần Thủ Độ. Ông mất năm 1264, năm đó lại có sao chổi!


Trần Thủ Độ thọ 70 tuổi và thật ra là người có công với nước. Người tình của ông cũng không phải người thường.
Đó là bà Trần Thị, vợ vua Huệ Tông, sau bị “giáng” làm Thiên Cực công chúa rồi lấy ông, được gọi là Linh Từ Quốc Mẫu. Là người họ Trần, bà là mẹ của hai công chúa đời Lý sau này cùng là Hoàng hậu của Trần Thái Tông. Chuyện cưới gả oái oăm ấy khiến An Sinh Vương Trần Liễu giận em là Thái Tông Trần Cảnh và đòi làm loạn. Bà hòa giải mối hiềm khích giữa hai anh em.


Đầu năm 1258, khi quân binh Mông Cổ đi qua cướp phá, kinh thành bị uy hiếp, bà cũng là người tổ chức di tản chiến thuật để bảo vệ Hoàng thái tử, cung phi và vợ con của các tướng khỏi lọt vào tay giặc. Không những vậy, bà còn khám xét thuyền bè của các nhà có giấu đồ quân khí để tịch thu và tiếp viện cho quân ta. Con gái họ Trần quả là đáng sợ!
Năm sau, 1259, bà tạ thế, hiển nhiên lúc đã cao tuổi, nếu cho rằng bà có tuổi xấp xỉ Lý Sảm và Trần Thủ Độ.
Đời sau, sử quan chửi bà là có thói chó lợn vì không giữ tiết với vua Lý và lại lấy anh em họ. Khi bà mất thì sử ghi là “chết”, ra chiều là rất ghét! Trần Thị mở đầu cho một kỷ nguyên mà “con gái họ Trần” rất nổi tiếng về tình ái ngoài vòng lễ giáo của các Nho thần viết sử…


Nhưng nếu triều Lý vẫn còn, với tài cán của Huệ Tông, liệu nước Nam có ba lần đánh bại quân Thát Đát không? Hay mới chỉ có lần đầu là đã nhập Tống, rồi cũng tiêu vong…
Bây giờ mới nói về con cọp kia.


***
Con Cọp Thiền Sư


Trần Cảnh là một chú bé đẹp trai. Nhưng chắc là tử tế ngay từ khi còn nhỏ.
Sau khi được Thủ Độ gài vào hậu cung nhà Lý để rồi lên làm vua, cậu bé này thấy rất phiền vì những tính toán gian hùng rắc rối của ông bác. Cả một đời, chú Cảnh chỉ có hai năm vui thú khi còn là chồng vua. Sau đó là một chuỗi dài những trách nhiệm của Thái Tông.


Năm 1233, khi 15 tuổi thì chú có con lần đầu với Chiêu Hoàng – tên là Trần Trịnh – nhưng đứa con yểu thọ. Phải chăng từ đấy Chiêu Hoàng trở thành hiếm muộn?


Chỉ biết là năm 1237, khi Thái Tông đã 19 tuổi, Thủ Độ mới làm chuyện ngang ngược là bắt vua lấy chị dâu. Đó là công chúa Thuận Thiên, chị của Chiêu Hoàng và vợ của quan Thái úy Phụng càn vương Trần Liễu, khi ấy đang có mang được ba tháng! Một quyết định khiến bốn người khổ. Bị vua cướp mất vợ, Trần Liễu bèn họp quân đòi làm loạn. Còn ông vua thanh niên ấy thấy phát khiếp.


Bèn bỏ triều, bơi qua sông tìm đường lên chùa.
Hôm sau, Thủ Độ đem các quan lên đón về kinh sư. Thấy vua đòi ở lại trên chùa thì quyết định: “Vua ở đâu triều đình ở đó!” Rồi cắm nêu dựng cột quanh chùa. Bạn vua là một vị sư bèn răn: “Làm vua là lấy lòng dân làm lòng mình”.
Có lẽ, đấy là lúc Thái Tông giác ngộ. “Lo cho bá tánh mới là giải nghiệp” là triết lý thực tiễn của các ông vua đi tu đời Trần theo dòng thiền Trúc Lâm. Trên đường về, ông còn ngăn lưỡi gươm của Thủ Độ để bảo vệ tính mạng cho Trần Liễu, từ đó được phong làm An sinh vương.


Thật ra, quan Thái úy Trần Liễu này quên mất vài ba chuyện:
Năm 1234, Thái Tông ưu ái sách phong ông là Hiền hoàng và bị sử nói là “sái”, vì chữ hoàng chỉ để cho nhà vua. Năm 1236, nhân nước lũ ông đi thuyền vào hầu, thấy trong cung Lệ Thiên có một bà phi cũ đời Lý bèn bức ngay tại chỗ! Cứ ngon như Tào Tháo vậy! Sau đó, cung Lệ Thiên được đổi thành một cái tên hữu tình là Thưởng Xuân! Ngon mà xấc! Ông sinh ra Trần Tung sau là nhà sư Tuệ Trung Thượng Sĩ, ra Trần Quốc Tuấn sau là Hưng Đạo Vương, ra Trần Quốc Khang – cái thai trong bụng Thuận Thiên – sau là con Trần Thái Tông, và ra Trần Thị Thiều, sau là Hoàng hậu của Trần Thánh Tông… Và đến chết ông còn bắt Quốc Tuấn thề độc là phải giành lại ngôi báu.


May mà Quốc Tuấn không nghe!
Dù có phê phán nhà Trần về tội đoạt ngôi nhà Lý, các sử gia đời sau đều ngợi ca Trần Thái Tông là minh quân và anh hùng.
Người ta có thể phân biệt hai thời kỳ. Khi còn trẻ, Thái Tông học việc và học hành, nhiều khi rất khổ tâm về những quyết định quá quắt của Trần Thủ Độ và coi cái ngai như cái nghiệp. Nhưng khi đã trưởng thành, ông hành xử như vua và cư xử rất tử tế với nhiều người. Cái ác của Thủ Độ dần dần được thay thế bằng cái thiện của Thái Tông. Mặt trời xua tan bóng đêm là vậy.

Ngay sau khi đẩy lui quân Mông Cổ, năm 40 tuổi, Thái Tông truyền ngôi cho Hoàng thái tử Trần Hoảng, sinh năm 1240 với bà Hoàng hậu Thuận Thiên. Đó là vua Trần Thánh Tông khi đó đã 18 tuổi. Bản thân Thái Tông lui về làm Thái thượng hoàng và từ đấy thỏa chí bình sinh là nghiên cứu Phật pháp, dù vẫn giúp vua Thánh Tông khi hữu sự. Tu, tề, trị, bình là như thế.

Thái Tông đi tu được gần hai chục năm, để lại cho đời sau bộ “Khoá hư lục” nổi tiếng của Thiền tông Việt Nam. Thái Tông là người đổi loạn thành trị và những khổ đau thời niên thiếu khiến ông suy ngẫm rất nhiều và tìm ra con đường sáng cho mình, mà cũng là con đường giáo dục cho bá tánh ở bộ sách uyên thâm này.

Ông kết hợp được cả dũng khí với từ tâm và xây dựng nền móng cho các vị vua nhà Trần sau này. Đây mới là một con cọp thật.
Thế còn con cọp kia, nàng Lý Chiêu Hoàng sau bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa?
Chuyện này cũng cho thấy cái tâm rất lạ của Thái Tông.
Hoàng hậu Thuận Thiên mà ông lấy của Trần Liễu bị mất năm 1248, ở tuổi 32. Ông có thể đã lấy vợ khác, để sinh ra Trần Ích Tắc (1254, một con cọp Giáp Dần rất hèn) và Trần Nhật Duật (1255, một danh tướng am hiểu ngoại ngữ).
Nhưng hẳn là ông không quên số phận Chiêu Thánh.

Trong trận đánh quân Mông, Thái Tông cầm quân đốc chiến và bị vây khổn. Nhìn quanh chỉ còn Lê Phụ Trần (vốn tên là Lê Thái hay Lê Tần, người Ái châu, dòng dõi Lê Đại Hành), một mình cưỡi ngựa ra vào trận địa mặt không đổi sắc. Có người khuyên vua là nên dừng lại để tử chiến, Phụ Trần lắc đầu: “Bệ hạ đừng tin người, dốc túi mà đánh liều. Nên lánh đi!“. Rồi ở lại che đỡ cho Thái Tông lui quân về đóng ở Sông Lô. Quân giặc bắn theo tới tấp, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua….

Hồi loan sau khi thắng trận, Thái Tông khen Phụ Trần là người tri kỷ, nâng lên làm Ngự sử Đại phu. Ly kỳ hơn, ông gả vợ cũ là Chiêu Thánh công chúa cho người tri kỷ. Các Nho thần viết sử đời sau đều đả kích cả Trần Thái Tông lẫn Lê Phụ Trần về chuyện ấy là vô đạo vì “làm nhục bà hoàng hậu cũ mà đem gả cho thường dân”. Rõ là hủ nho!
Lê Phụ Trần không là dân thường!

Ông làm quan ba triều vua, là người hiếm hoi có mặt trong cả ba lần chống giặc Nguyên Mông (năm 1258, 1282 và 1287). Từ Ngự sử Đại phu đời Thái Tông qua Thủy quân đại tướng quân đời Thánh Tông, thày dạy học rồi danh tướng cho Nhân Tông. Ông thuộc loại văn võ đều giỏi vì đi sứ Mông Cổ ngay sau khi thắng giặc năm 1258, làm Sư cung Giáo thụ dạy vua Nhân Tông khi còn là Thái tử. Ông là lão tướng đã cùng Trần Quốc Toản đem thủy quân vào bảo vệ hai tỉnh Thanh Nghệ năm 1287. Phải chăng là từ công lao đó, nhà Trần mới gọi Lê Tần là Lê “Phụ Trần”?
Dù sao, Thái Tông là người có mắt và biết chu đáo chọn mặt gửi vàng. Là phụ nữ tuổi Dần nên Chiêu Thánh có số lao đao chăng? Nhưng lấy chồng là Lê Phụ Trần thì chẳng là chuyện xấu.

Thật ra, bà có được hai chục năm êm ấm bên người chồng xuất chúng, rồi mất năm 1278.
Có thuyết cho rằng danh tướng Trần Bình Trọng – đã anh dũng hy sinh trong lần kháng Nguyên thứ hai – chính là con trai của hai người. Khẳng khái tuyên bố câu nói lịch sử “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc“, Trần Bình Trọng sinh năm 1259, vốn là dòng dõi Lê Đại Hành, tên là Lê Tông, cha mẹ là ai sử không chép. Chỉ ghi rằng thân phụ làm quan đời Thái Tông, vì có công nên được ban quốc tính…

Ngẫu nhiên sao, Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh chỉ có một con trai, tên là Tông.
Trong một năm Dần, bỗng nhớ lại hai tuổi Giáp Dần 1164 và hai tuổi Mậu Dần 1218 mà không thấy lạ sao?…

ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT
Nhận xét

Có thể bạn sẽ thích?